Bản tin thị trường vàng sáng 9.3: Vàng trong nước quay đầu giảm sâu
Cập nhật đầu phiên giao dịch sáng nay giá vàng trong nước giảm khá sâu. Vàng SJC giảm xuống: 54,84 – 55,27 triệu/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ 999.9 của Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý Kim Tín giao dịch tại: 51,42– 52,68 triệu/lượng (mua vào – bán ra).
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước đồng loạt giảm vài trăm ngàn đồng mỗi lượng. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 54,84 – 55,27 triệu/lượng (mua vào - bán ra), giảm 250.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán ra là 54,85– 55,30 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giảm 250.000đ/lượng chiều mua vào và 200.000đ/lượng chiều bán ra so với giá đóng cửa phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 51,42– 52,68 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giảm 300.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa phiên 8.3.

Giá vàng lại quay đầu giảm khá sâu cùng chiều vàng thế giới. Hiện tại vàng SJC đã tuột xa ngưỡng 56 triệu mỗi lượng chiều bán ra. Nhu cầu giao dịch đang có xu hướn chững lại sau phiên sôi động ngày 8.3. Tuy nhiên một số khách đầu tư đón giá vàng xuống để mua gom đợi giá lên bán chốt lời thì vẫn mua vào tự nhiên.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín, phiên giao dịch 8.3 hôm qua lượng khách tăng mạnh, đột biến. Mặc dù xu hướng khách tăng đã xuất hiện cả gần 1 tuần trước phiên 8.3 nhưng hôm qua ghi nhận mức đông đỉnh điểm. Khách mua trang sức nữ chiếm tỉ lệ 90%. Trong đó các bộ trang sức vàng tây, hay các món trang sức vàng ta được lựa chọn nhiều hơn cả.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Giá vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục lao dốc sau khi hồi phục đôi chút từ đáy 9 tháng. Các quỹ tiếp tục bán mạnh vàng, trong khi đó kinh tế Mỹ có dấu hiệu hồi phục và Fed không gay gắt về vấn đề lợi suất trái phiếu Mỹ.
Đêm 8/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.689 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.686 USD/ounce.
Vàng giảm mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng vọt trong phiên giao dịch đầu tuần mới. Chỉ số DXY đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt tăng vọt thêm khoảng 1,5% lên mức 92,27 điểm.
Đồng bạc xanh tăng mạnh trong bối cảnh Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell không quá gay gắt đối với mức tăng đột biến gần đây của lợi suất trái phiếu Mỹ. Nó khiến giới đầu tư đánh cược vào khả năng lợi suất trái phiếu có thể còn tiếp tục tăng cao.
Một số số liệu gần đây cho thấy, sự hồi phục tại nền kinh tế Mỹ nhanh hơn dự kiến. Cuối tuần trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 379.000 việc làm trong tháng 2/2021 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,2%, cao hơn rất nhiều so với dự báo có thêm 210.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 6,3% trong tháng 1/202.
Trước đó, Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết trong tuần trước đó có 745.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, thấp hơn so với ước tính 750.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.
Vàng chịu áp lực giảm còn do quỹ SPDR Gold Trust liên tục bán ròng trong suốt thời gian vừa qua. Quỹ này hạ lượng vàng nắm giữ về chỉ còn 1069,26 tấn vào cuối phiên cuối tuần trước.
Dòng tiền đổ vào USD, Bitcoin, chứng khoán... gây áp lực mạnh lên mặt hàng kim loại quý.
Về dự đoán giá vàng: Gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD về lâu dài có thể khiến lạm phát tăng lên và qua đó đẩy dòng tiền chảy vào vàng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, gói cứu trợ có thể giúp phục hồi nhanh hơn nền kinh tế Mỹ, vốn chịu nhiều tác động từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)