Bản tin thị trường vàng sáng 31/8/2023: Vàng thế giới và trong nước đều neo mốc cao
Giá vàng trong nước tiếp tục neo mốc cao, trong khi vàng thế giới tăng. Vàng SJC vẫn trên ngưỡng 68 triệu mỗi lượng. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 57,2 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước vẫn treo trên đỉnh cao Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC đang được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 67,55– 68,15 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng 50.000đ/lượng chiều mua vào và giảm 50.000đ/lượng chiều bán ra so với giá chốt phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji đang công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua vào - bán ra là 67,35 – 68,20 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50.000đ/lượng chiều mua vào và 100.000đ/lượng chiều bán ra so với giá đóng cửa phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 55,22 – 56,88 triệu/lượng (mua vào – bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên hôm qua.

Giá vàng SJC tại Kim Tín giao dịch tại 67,22 – 68,28 triệu/lượng (MV – BR).
Giá vàng SJC vẫn duy trì trên đỉnh cao. Vàng thế giới cũng xu hướng tăng, thị trường vàng đi vào những ngày nhộn nhịp. Nhu cầu mua bán, trao đổi lớn cả mặt hàng vàng trang sức và vàng tích lũy, đầu tư.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín, trong suốt tuần này lượng khách giao dịch đều ổn định ở mức cao. Khách mua bán đan xen và đông đúc ở hầu hết các phiên. Tuy nhiên lực mua liên tục áp đảo lực bán.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Đêm 30/8 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.937 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.971 USD/ounce.
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 57,2 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí.
Những diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế cho thấy, nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới. Tối đa cơ quan này sẽ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa, có thể trong tháng 11, trước khi chuyển sang giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ.
USD giảm còn do sức mạnh tài chính của nước Mỹ có thể suy giảm khi nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ lớn mạnh. Gần đây, BRICS chính thức nhất trí cơ chế xem xét thành viên mới, mở đường gia nhập cho hàng chục quốc gia có mong muốn tham gia vào khối.
Quyết định mở rộng quy mô có thể mang lại ảnh hưởng toàn cầu cho BRICS trong bối cảnh sự phân cực địa-chính trị đang thúc đẩy Nga và Trung Quốc đưa BRICS thành đối trọng với phương Tây.
Hiện có 4 quốc gia tiềm năng nhất có khả năng gia nhập BRICS, gồm Saudi Arabia, Argentina, Iran và Ai Cập. Saudi Arabia là một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, sẽ góp phần làm tăng thêm sức mạnh kinh tế cho khối này, cho phép BRICS định vị vị thế của mình là đối thủ chống lại trật tự tài chính do Mỹ lãnh đạo.
Sức mạnh của đồng USD được dự báo giảm trong dài hạn. Trong khi đó, vàng thường biến động ngược chiều với đồng bạc xanh.
Vàng còn tăng do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm xuống mức thấp của ba tuần sau số liệu cho thấy số vị trí việc làm cần tuyển dụng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2,5 năm trong tháng 7 vừa qua.
Dù vậy, trong ngắn hạn, đồng USD có khả năng vẫn tăng trở lại và vàng bị kìm hãm bởi đồng tiền này.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đang đặt cược 43% khả năng Fed lãi suất tăng tại cuộc họp tháng 11/2023.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)