Bản tin thị trường vàng sáng 29/6/2023: Giá vàng thế giới giảm
Giá vàng trong nước khá ổn định trong khi vàng thế giới giảm. Giá vàng trên thị trường quốc tế lao dốc về ngưỡng nhạy cảm 1.900 USD/ounce. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,9 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước lấy lại ngưỡng 67 triệu mỗi lượng và khá ổn định đầu phiên. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC đang được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 66,40 – 67,00 triệu/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji đang công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua vào - bán ra là 66,35 – 66,95 triệu/lượng (mua vào – bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 54,62 – 56,38 triệu/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá phiên 28/7.
Giá vàng SJC tại Kim Tín giao dịch tại 66,12 – 67,48 triệu/lượng (MV – BR).

Giá vàng SJC trong nước đã lấy lại mốc 67 triệu mỗi lượng. Thị trường khá ổn định, hoạt động giao dịch cũng không có biến động lớn.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín, phiên giao dịch hôm qua hoạt động mua bán diễn ra khá cân bằng ở chiều mua vào và bán ra. Mặt hàng trang sức vàng ta, vàng tây, trang sức phong thủy đều có sức tiêu thụ khá tốt.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Đêm 28/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.907 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.929 USD/ounce.
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 54,9 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí.
Giá vàng trên thị trường quốc tế lao dốc về ngưỡng nhạy cảm 1.900 USD/ounce.
Vàng giảm khi USD và một số đồng tiền chủ chốt có xu hướng lên giá sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được tin rằng sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát bằng những đợt tăng lãi suất trong tháng 7.
Vàng còn chịu áp lực bán khi rơi tới ngưỡng nhạy cảm 1.900 USD/ounce.
Lạm phát hiện là một vấn đề vẫn được các nước theo dõi sát. Fed và ECB tiếp tục đề cập tới việc tăng lãi suất.
Dữ liệu vĩ mô mới nhất từ Mỹ đang hỗ trợ Fed thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ. Báo cáo niềm tin người tiêu dùng của Conference Board đã tăng lên 109,7 điểm vào tháng 6. Đây là mức điểm tốt nhất kể từ tháng 1/2022.
Điều này cho thấy rủi ro suy thoái kinh tế không còn lớn. Nó cũng đồng nghĩa với việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới.
Tín hiệu từ công cụ CME FedWatch cho thấy, có 77% cơ hội Fed tăng lãi suất 25 điểm trong tháng 7. Morgan Stanley cũng vừa cập nhật dự báo cho rằng, Fed sẽ tiếp tục chuỗi tăng lãi suất trong tháng tới.
Tại châu Âu, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo rằng, lạm phát hiện ở giai đoạn mới và có thể kéo dài trong một thời gian, báo hiệu nhiều đợt tăng lãi suất sắp tới.
Theo Christine Lagarde, trong tương lai gần, ECB không thể tự tin tuyên bố rằng lãi suất đã đạt đỉnh. Theo đó, trừ khi có thay đổi quan trọng về triển vọng kinh tế, còn không, ECB sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng Bảy.
Thị trường kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất lên 4%. Điều đó có nghĩa là sẽ có một đợt tăng lãi suất sắp tới.
Lạm phát vẫn là một vấn đề toàn cầu cho dù nhiều nước trên thế giới đã thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ trong hơn một năm qua.
Thị trường vàng đang diễn biến không tốt với giá có thể giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce trong ngắn hạn.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)