Bản tin thị trường vàng sáng 23.9: Giá vàng biến động nhẹ
Đầu phiên giao dịch sáng nay, giá vàng trong nước biến động nhẹ. Mức giao động xoay quanh từ đi ngang đến 100.000đ/lượng so với phiên hôm qua. Trong khi đó giá vàng thế giới giảm nhẹ.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước biến động nhẹ. Cụ thể như sau:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 56,70 – 57,38 triệu/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200.000đ/lượng chiều mua vào và 100.000đ/lượng chiều bán ra so với giá chốt phiên 22/9.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán là 56,70– 57,50 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giao động trong khoảng 100.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá phiên hôm qua.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 50,22– 51,76 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giao động từ 20 – 200.000đ/lượng so với giá phiên liền trước.

Giá vàng trong nước hôm nay nhìn chung đánh giá tương đối ổn định. Mặc dù có biến động nhưng chỉ trong biên độ nhẹ chưa đủ làm nóng thị trường. Vì thế các hoạt động giao dịch trên thị trường hoàn toàn là do nhu cầu tự nhiên chứ không bị ảnh hưởng bởi tác động của giá vàng. Lực mua trên thị trường đang xu hướng tăng áp đảo lực bán.
Phiên giao dịch hôm qua và đầu phiên sáng nay, không khí mua sắm tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín vẫn giữ ổn định như phiên liền trước. Giao dịch mua và bán diễn ra khá đều, trong đó ghi nhận tình trạng khách mua nhiều hơn khách bán.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1768.5 - 1769.5 USD/ounce. Giá vàng vừa quay đầu giảm sau khi tăng vào phiên trước. Nguyên nhân đến từ thông tin cuộc họp Fed vừa ban hành.
Cụ thể, cuộc họp kết thúc vào rạng sáng 23/9, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo việc bơm tiền ra thị trường mỗi tháng 120 tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do Covid-19 sẽ giảm dần vào tháng 11/2021.
Thị trường tiền tệ ngay lập tức phản ứng với thông tin này. Giới đầu tư nhận định khi nguồn cung tiền mặt bị hạn chế trong thời gian tới sẽ có lợi cho USD. Đồng tiền này tăng giá trên diện rộng khi nhà đầu tư mua vào nhiều, tạo áp lực lên giá vàng.
Các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng biến động trái chiều ở vào thời điểm Mỹ đề cập tới thời gian siết các chương trình mua trái phiếu và đề cập tới triển vọng lạm phát của Mỹ.
Sau 2 phiên hồi phục khá mạnh, vàng lại chịu áp lực bán ra. Trong ngắn hạn, vàng chịu áp lực từ đồng USD có xu hướng mạnh lên khi mà Fed sẽ dần đi đến những bước tiếp theo của quá trình siết chặt nới lỏng định lượng. Những áp lực về thị trường tài chính biến động mạnh cũng suy giảm, tiếp tục là yếu tố tác động tiêu cực đối với vàng.
Vàng coi là một lựa chọn tốt trong dài hạn khi lạm phát được dự báo tăng vọt sau động thái bơm tiền kéo dài của các nền kinh tế nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Thế nhưng 3/4 đoạn đường của năm đi qua, vàng vẫn chật vật trong việc “giữ giá”. Mốc 2.000 USD/ounce mà một số nhà phân tích dự báo hồi đầu năm xem ra vẫn xa vời.
Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)