Bản tin thị trường vàng sáng 21.9: Vàng quay đầu tăng giá
Giá vàng trong nước và thế giới cùng xu hướng tăng trong đầu phiên giao dịch sáng nay. Vàng thế giới tăng khi đồng USD đi xuống.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước xu hướng tăng. Cụ thể như sau:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 56,45 – 57,13 triệu/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên đầu tuần hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán là 56,50– 57,50 triệu/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang cả chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa phiên hôm qua.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 50,02– 51,68 triệu/lượng (mua vào – bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên liền trước.

Giá vàng xu hướng tăng đầu phiên hôm nay. Tuy nhiên mức tăng chưa thực sự bứt phá. Giao dịch trên thị trường bắt đầu bình ổn trở lại khi mà hôm nay 21/9, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách lần hai (lần 1 vào ngày 15/9). Theo đó các Công ty vàng bạc đá quý tại Hà Nội đã được phép mở cửa trở lại.
Phiên giao dịch đầu tuần hôm qua, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín đón lượng khách khá ổn định ở các thời điểm trong ngày. Lực mua ước tính cao gấp đôi lực bán. Trong đó các mặt hàng trang sức vàng ta, trang sức hồi môn được giao dịch nhiều nhất do đang thời điểm mùa cưới.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Giá vàng thế giới trên sàn Kitco giao dịch ở mức 1764.4 - 1765.4 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 10 tăng 9,20 đô la Mỹ lên 1758,6 đô la Mỹ/ounce.
Giá vàng tăng vừa phải do một số nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh giao dịch khó khăn của thị trường chứng khoán thế giới. Nếu áp lực bán ra trên thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp diễn trong tuần này, kim loại quý có khả năng nhận thấy nhu cầu trú ẩn an toàn tốt hơn.
Thông tin giới tài chính quan tâm là cuộc khủng hoảng nợ ngày càng trầm trọng tại tập đoàn bất động sản China Evergrande vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Các biện pháp kiểm soát đi lại phòng dịch COVID-19 đã làm tổn hại đến chi tiêu bán lẻ trong khi các biện pháp hạ nhiệt giá bất động sản cũng đã gây thêm nhiều thiệt hại đáng kể. Hôm 15/9, Trung Quốc báo cáo sự sụt giảm mạnh hơn dự kiến trong doanh số bán lẻ tháng 8, đi kèm là mức tăng trưởng yếu hơn trong sản xuất công nghiệp và đầu tư vào tài sản cố định. Nguy cơ Evergrande vỡ nợ sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp, các nhà phát triển địa ốc khác và thị trường tài chính.
Cuộc khủng hoảng Evergrande xảy ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày bắt đầu từ sáng thứ Ba và kết thúc vào chiều thứ Tư với một tuyên bố và cuộc họp báo từ Chủ tịch Fed Jerome Powell. Thị trường đang tự hỏi liệu một đợt bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu vào đầu tuần này có ảnh hưởng đến cuộc thảo luận của Fed về thời điểm cắt giảm chương trình mua trái phiếu của họ hay không?
Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)