Bản tin thị trường vàng sáng 17/5: Giá vàng trong nước đồng loạt giảm
Cập nhật đầu phiên giao dịch sáng nay giá vàng trong nước đồng loạt giảm. Giá vàng quốc tế chịu nhiều áp lực khi đồng USD biến động khá mạnh. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 57,7 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế và phí).
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước đồng loạt giảm đầu phiên giao dịch sáng nay. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 66,50– 67,10 triệu/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000đ/lượng cả chiều mua vào và chiều bán ra so với giá chốt phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán ra là 66,45– 67,05 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giảm 100.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa phiên phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 55,22– 56,99 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giảm 300.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá phiên hôm qua.

Giá vàng đồng loạt giảm đầu phiên giao dịch sáng nay. Nhu cầu giao dịch trên thị trường đang thiên về xu hướng mua vào, tranh thủ vàng giảm để mua đước giá tốt.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín hai phiên đầu tuần lượng khách giao dịch ở trạng thái khá ổn định. Nhìn chung lực mua vẫn chiếm chủ yếu.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Đêm 16/5 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay có lúc xuống ngưỡng 2.006 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 2.008 USD/ounce.
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 57,7 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế và phí).
Vàng chịu áp lực giảm trong bối cảnh chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới - tăng mạnh lên ngưỡng 102,4 điểm. Trước đó, chỉ số này có lúc về ngưỡng 101 điểm.
Đồng USD tăng trở lại khi nhiều nhà đầu tư cho rằng, họ đã đánh cược quá sớm vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhanh chóng đảo chiều chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp.
Trên thực tế, các quan chức Fed đang cho thấy họ vẫn kiên trì bám mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát.
Lạm phát của Mỹ trong tháng 4/2023 chỉ còn tăng 4,9% so với cùng kỳ (thấp hơn mức 5% trong tháng trước và mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6/2022). Tuy nhiên, đây vẫn là mức cao so với mục tiêu 2%.
Trên Kitco, Georgette Boele, chuyên gia kinh tế cao cấp của ABN AMRO cho rằng, mặt hàng kim loại quý đang mất đà đi lên sau khi đã tăng 10% kể từ đầu năm tới nay.
Theo Georgette Boele, từ đầu năm tới nay, vàng tăng do giới đầu tư kỳ vọng chu kỳ tăng lãi suất của Fed sẽ sớm chấm dứt. Những lo lắng về triển vọng nền kinh tế, lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị cũng kéo vàng đi lên.
Tuy nhiên, Georgette Boele lưu ý, đà tăng đã bị kìm lại ở mức như hiện tại. Theo đó, Fed đã không đưa ra tín hiệu sớm giảm lãi suất như thị trường mong chờ.
“Thị trường dự đoán Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong quý III. Điều này phản ánh vào giá vàng (tăng). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc cắt giảm lãi suất sẽ đến muộn hơn, có thể xảy ra vào cuối năm”, Boele nhận định.
Bên cạnh đó, USD chưa giảm giá sẽ ảnh hưởng tới đà tăng của vàng trong các tháng tới.
Dù vậy, về dài hạn, vàng vẫn được đánh giá đang nằm trong xu hướng tăng. Vàng có thể bứt phá trong năm 2024 khi mà cả Fed, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
ABN AMRO dự báo vàng sẽ ở mức 2.000 USD/ounce trong năm 2023 và 2.200 USD/ounce trong năm 2024.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)