Bản tin thị trường vàng sáng 14/3/2023: Giá vàng thế giới tăng vọt
Giá vàng thế giới tăng vọt đầu phiên giao dịch sáng nay. Trong khi trong nước vàng SJC tuột mốc 67 triệu mỗi lượng chiều bán ra.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước biến động nhẹ. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC đang được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 66,00– 66,70 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng 50.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji đang công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán ra là 66,00 – 66,70 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng 50.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 53,01 – 54,76 triệu/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang cả chiều mua vào và bán ra so với giá giá đóng cửa phiên liền trước.

Giá vàng phiên đầu tuần tăng nhưng lại nhanh chóng tuột mốc 67 triệu mỗi lượng chiều bán ra. Hoạt động mua bán chủ yếu theo nhu cầu tự nhiên.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín, lượng khách giao dịch ở mức độ ổn định và đồng đều.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh bất chấp đồng USD cũng leo thang. Giới đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng ngân hàng lan từ Mỹ rộng ra khắp thế giới khi có những tín hiệu xấu ở châu Âu.
Đêm 15/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.925 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 trên sàn Comex New York ở mức 1.928 USD/ounce.
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 55,9 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí.
Giá vàng tăng mạnh lên đỉnh 5 tuần khi được giới đầu tư tìm đến như một kênh trú bão. Nỗi sợ về một cuộc khủng hoảng ngân hàng/tài chính toàn cầu đang gia tăng mạnh.
Tại châu Âu, giá cổ phiếu ngân hàng đồng loạt sụt giảm, trong đó cổ phiếu Credit Suisse sau khi giới đầu tư lo ngại về tình hình sức khỏe tài chính của ngân hàng này.
Sự hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng đã lan từ Mỹ sang châu Âu.
Trong tuần trước, Mỹ ghi nhận 2 ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank phá sản.
Ngân hàng Trung ương châu Âu họp vào ngày 16/3 và dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng tại khu vực Eurozone đang lung lay. Điều này có thể làm thay đổi kế hoạch của ECB vào phút chót.
Đây là yếu tố kéo USD tăng trở lại cho dù đang có một cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm cơ bản hay giữ nguyên trong cuộc họp vào ngày 22/3 tới, trong bối cảnh khủng hoảng ngân hàng Mỹ.
Dù USD tăng khá mạnh nhưng vàng cũng tăng giá ấn tượng do giới đầu tư tìm đến các loại tài sản an toàn trong đó có USD và vàng.
Vàng được dự báo sẽ còn được hỗ trợ trong bối cảnh thị trường trái phiếu quốc tế chao đảo và khiến cho nhiều ngân hàng trên thế giới đứng trên bờ vực phá sản.
Một cuộc khủng hoảng tài chính nếu xảy ra sẽ đẩy mặt hàng kim loại quý tiếp tục tăng giá.
Về trung hạn, vàng chịu áp lực giảm bởi Fed vẫn còn phải nâng lãi suất để chống lạm phát vốn đang ở mức cao.
Hiện, giới đầu tư đang chờ xem tình hình tài chính khu vực châu Âu sẽ như thế nào. Hôm 15/3, cổ phiếu của ngân hàng Credit Suisse rơi xuống mức thấp nhất mọi thời đại sau khi Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia cho biết họ sẽ không cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho ngân hàng này.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)