Bản tin thị trường vàng sáng 12/10: Vàng phát tín hiệu tăng, SJC lại chạm mốc 67 triệu mỗi lượng
Giá vàng trong nước phát tín hiệu tăng đầu phiên sáng nay. Vàng SJC bật tăng và đã chạm mốc 67 triệu mỗi lượng chiều bán ra. Mốc này đã bị rớt suốt 1 tháng qua.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước xu hướng tăng. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 66,00 – 67,00 triệu/lượng (mua vào – bán ra), tăng 100.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán ra là 65,80 – 66,80 triệu/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 51,01– 52,48 triệu/lượng (mua vào – bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với giá cùng thời điểm phiên hôm qua.
Giá vàng SJC tại Kim Tín niêm yết tại 64,62 – 65,99 triệu/lượng (mua vào – bán ra).

Giá vàng trong nước đảo chiều tăng, đặc biệt vàng SJC đã tiến về ngưỡng 67 triệu/lượng chiều bán ra. Nhu cầu giao dịch trên thị trường vẫn chủ yếu mua bán tự nhiên theo mùa vụ. Lượng giao dịch đầu tư chiếm tỉ lệ thấp.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín, trong những phiên đầu tuần hoạt động giao dịch vẫn ổn định không có biến động nhiều. Mặt hàng trang sức vàng ta, trang sức cưới vẫn đang được tiêu thị nhiều nhất.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Đêm 11/10 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.669 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.674 USD/ounce.
Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 48,9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí.
Giá vàng trên thị trường quốc tế hồi phục nhẹ nhờ lực cầu bắt đáy. Tuy nhiên, triển vọng giá vàng vẫn u ám. Vàng trong nước tăng mạnh lên gần 67 triệu đồng/lượng sau những biến động trên thị trường tài chính.
Vàng hồi phục sau khi giảm mạnh trong vài phiên trước đó. Sức cầu bắt đáy và lực mua để trả hàng bán khống là yếu tố chính đẩy giá mặt hàng kim loại quý lên trở lại.
Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán nhiều nước trên thế giới cũng góp phần giúp đẩy giá vàng đi lên.
Trong phiên đầu tuần, chứng khoán Mỹ xuống đáy hơn 2 năm và được dự báo triển vọng không mấy tươi sáng khi lãi suất tiếp tục lên và có thể ở mức cao trong một khoảng thời gian dài.
Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine cũng khiến dòng tiền tìm đến thị trường vàng.
Hiện tại, vàng, đồng USD và trái phiếu Mỹ là các lựa chọn an toàn của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chao đảo kéo dài trong nhiều tháng qua.
Tuy nhiên, một đồng USD mạnh lên lại kéo giá vàng đi xuống.
Theo tín hiệu thị trường, trong cuộc họp tháng 11 tới Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm lên 4%/năm. Sau đó, Fed sẽ tăng lãi suất ở mức chậm hơn và mục tiêu sẽ là 4,5-4,6%/năm trong năm 2023.
Tuy nhiên, nhiều dự báo đưa ra gần đây cho rằng, lãi suất Mỹ sẽ khó đảo chiều giảm nhanh mà sẽ giảm từ từ, bắt đầu từ 2024 do lạm phát được dự báo còn ở mức cao kéo dài. Giá cả hàng hóa gần đây tiếp tục gia tăng cho dù chỉ số lạm phát chung đã hạ từ mức 9,1% trong tháng 6 xuống 8,3% (so với cùng kỳ) trong tháng 8.
Sau khi tăng lãi suất, Mỹ được dự báo sẽ tăng tốc rút tiền về thông qua việc giảm mua trái phiếu chính phủ.
Việc Mỹ hút tiền sẽ khiến đồng USD khó lòng đi xuống và vẫn sẽ quanh đỉnh cao 20 năm như hiện tại. Vàng sẽ chịu áp lực giảm kéo dài.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)