Bản tin thị trường vàng sáng 10.6: Giá vàng trong nước biến đổi chậm
Đầu phiên giao dịch sáng nay, giá vàng trong nước giao động trong biên độ nhẹ. Vàng SJC giao dịch tại: 56,65– 57,25 triệu/lượng (mua vào – bán ra). Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ 999.9 của Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý Kim Tín giao dịch tại: 52,32– 53,78 triệu/lượng (MV- BR).
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước biến động nhẹ. Cụ thể:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 56,65– 57,25 triệu/lượng (mua vào - bán ra), đi ngang cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán ra là 56,60– 57,20 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50.000đ/lượng chiều mua vào và đi ngang chiều bán ra so với giá phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 52,32– 53,78 triệu/lượng (mua vào – bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên 9/6.

Giá vàng trong nước biến động nhẹ đầu phiên giao dịch sáng nay. Vàng SJC vẫn giữ mốc trên 57 triệu/lượng chiều bán ra. Hoạt động giao dịch trên thị trường diễn ra tương đối bình ổn.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín, phiên giao dịch hôm qua, giá vàng giữ ổn định so với phiền liền trước. Nhu cầu mua vàng và trang sức của khách tại Tập đoàn có chiều hướng ổn định. Lực mua đều.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Đầu phiên sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.887 USD/ounce. Đêm 9/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.893 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.895 USD/ounce.
Giá vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 53,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí.
Giá vàng trên thị trường quốc tế quay đầu tăng nhẹ trở lại trong bối cảnh đồng USD suy yếu và lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm khá mạnh xuống dưới ngưỡng 1,5%. Triển vọng dài hạn của vàng vẫn tươi sáng.
Trung Quốc vừa công bố lạm phát tăng mạnh trong tháng 5 với chỉ số giá nhà sản xuất tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng ở mức 6,8% trong tháng 4. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng 1,3% so với cùng kỳ.
Áp lực lạm phát gia tăng trên khắp thế giới là yếu tố tích cực đối với các thị trường kim loại.
Các nhà đầu tư đang chờ số liệu kinh tế của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này, với chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 được dự báo sẽ tăng 0,5% so với tháng 4 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vàng tăng giá còn do đồng USD suy yếu. Chỉ số DXY đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm xuống dưới ngưỡng 90 điểm. Lợi tức trái phiếu Mỹ xuống dưới ngưỡng 1,5%.
Các thị trường chứng khoán trên thế giới không có xu hướng rõ ràng trong những ngày qua khi mà các nhà đầu tư đang tìm kiếm manh mối về triển vọng chính sách của ngân hàng trung ương các nước.
Nền kinh tế khu vực eurozone suy giảm quý thứ 2 liên tiếp, với mức giảm 0,6% do đợt dịch Covid-19 thứ ba đã bùng phát ở châu lục này vào đầu năm nay. Các biến thể mới của virus đã xuất hiện và dẫn tới các đợt đóng cửa sau đó.
Trên Bloomberg, SkyBridge Capital đưa ra dự báo cho rằng, giá vàng sẽ tăng lên các mức cao kỷ lục mới trong năm tới ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới rút dần chương trình mua tài sản.
Trong khi đó, Fitch Solutions dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới trong bối cảnh đồng USD suy yếu và làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới có thể xuất hiện.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), 21% ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến sẽ tăng dự trữ vàng trong năm 2021. Các ngân hàng này kỳ vọng vàng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong dự trữ của họ. Trong khi đó, không có ngân hàng trung ương nào dự kiến bán vàng trong năm nay, giảm từ 4% so với cuộc khảo sát năm ngoái.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)