Bản tin thị trường vàng sáng 1/7: Đầu tháng vàng giảm nhẹ
Đầu phiên giao dịch đầu tháng hôm nay giá vàng trong nước xu hướng đi xuống. Vàng giảm hàng trăm ngàn đồng mỗi lượng so với giá đóng cửa phiên liền trước.
Thông tin thị trường vàng trong nước
Giá vàng trong nước xu hướng giảm:
Tại thị trường TP.HCM: Giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn giao dịch tại: 68,15 – 68,75 triệu/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá chốt phiên hôm qua.
Tại Hà Nội: Tập đoàn Doji công bố giá vàng SJC ở Hà Nội theo chiều mua - bán ra là 68,10 – 68,70 triệu/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50.000đ/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa phiên liền trước.
Tại Cao Bằng: Giá vàng nhẫn tròn ép vỉ Kim Tín cùng thời điểm trên giao dịch tại: 52,72– 54,28 triệu/lượng (mua vào – bán ra), đi ngang cả chiều mua vào và bán ra so với giá cuối phiên liền trước.
Giá vàng SJC tại Kim Tín niêm yết tại 68,02 – 69,26 triệu/lượng (mua vào – bán ra).

Trong tháng 6 giá vàng trong nước chủ yếu biến động nhẹ. Hoạt động giao dịch cũng không có biến động lớn. Vàng chủ yếu giao động quanh mốc cũ. Nhu cầu đầu tư, tích trữ và mua trang sức làm đẹp ở mức trung bình.
Tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Kim Tín, trong suốt tháng 6 lực mua và bán đều khá ổn định, nhu cầu mua liên tục cao hơn bán.
Thông tin thị trường vàng thế giới
Đêm 30/6 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.819 USD/ounce. Vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.820 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 30/6 thấp hơn khoảng 0,1% (2 USD/ounce) so với đầu năm 2022. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 51,0 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí.
Giá vàng trên thị trường quốc tế vẫn chịu áp lực giảm khá mạnh trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh giữa lúc nền kinh tế Mỹ không có gì đảm bảo cho một kịch bản hạ cánh mềm.
Mặt hàng kim loại quý tăng bật trở lại vào đầu phiên giao dịch 30/6 trên thị trường Mỹ khi về gần ngưỡng hỗ trợ mạnh 1.800 USD/ounce. Tuy nhiên, áp lực từ nhiều phía khiến mặt hàng này hạ nhiệt nhanh khi lên gần tới ngưỡng 1.830 USD/ounce.
Một trong những áp lực mạnh gây tác động tiêu cực nhiều đối với vàng là một đồng USD mạnh. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền khác – vọt lên ngưỡng 105,3 điểm.
Đồng bạc xanh mạnh khiến các loại hàng hóa tính bằng đồng tiền này, trong đó có vàng, giảm nhanh.
Giảm cũng chịu áp lực giảm khi mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu xuống trở lại dưới ngưỡng 110 USD/thùng.
Ở chiều ngược lại, một thị trường chứng khoán bất ổn và thị trường tiền số suy giảm nhanh lại hỗ trợ vàng như một loại tài sản trú ẩn an toàn.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Các đồng tiền số tiếp tục bốc hơi. Bitcoin đang về trở lại ngưỡng 19.000 USD.
Chứng khoán Mỹ giảm khi nỗi lo suy thoái kinh tế ngày càng lớn lên. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powel cho biết, không có sự đảm bảo nào cho khả năng nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm.
Các chuyên gia kinh tế JP Morgan cũng cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ.
Trong bối cảnh như hiện nay, các loại tài sản có độ an toàn cao như vàng và đồng USD được chọn làm nơi trú bão. Vàng có triển vọng tăng giá.
Tuy nhiên, mặt hàng kim loại quý được dự báo khó tăng mạnh do thường biến động ngược chiều với USD.
Giới đầu tư hiện đang theo dõi sát các động thái chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước.
Với tình hình lạm phát lên cao, nhiều dự báo cho rằng, lợi nhuận các doanh nghiệp ở nhiều nước sẽ bị vắt kiệt. Chứng khoán có thể còn đi xuống và qua đó khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.
(Ban Chuyên gia Kinh tế và Thị trường Tập đoàn Kim Tín)