Việc giá vàng đang leo lên mức kỷ lục kể từ năm 1980 đến nay là tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân, xin ông phân tích đâu là nguyên nhân cơ bản nhất?
Nguyên nhân đầu tiên và cơ bản vẫn do đôla Mỹ mất giá nhanh và mạnh. Chỉ so với đồng EUR, từ 2001, khi đồng tiền này được đưa vào lưu thông thì 1EUR ăn 0,9 USD; nhưng bây giờ 1 EUR được 1,47 USD và khả năng cái đích lên 1,5 là rất gần. Như vậy, đến nay USD đã mất giá 70% so với EUR rồi.
Càng mất giá thì các ngân hàng trung ương các nước có mức dự trữ ngoại hối về vàng yếu, chỉ chiếm từ 1-3%, trong khi lại “ôm” nhiều USD như: Nga, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Indonesia... phải đánh giá, cơ cấu lại tài sản, có nghĩa là họ sẽ bán USD ra để mua vàng.
Biến động của giá vàng trong nước vẫn chậm hơn so với giá thế giới là do đâu và nó có ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp vàng trong nước không, thưa ông?
Sự chênh lệch, chậm hơn thế giới một chút là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, do dung lượng của thị trường VN chưa thật lớn nên thực ra không ảnh hưởng gì đến các doanh nghiệp.
Một yếu tố nữa là kinh doanh vàng VN chỉ là kinh doanh vàng vật chất thôi. Loại hình kinh doanh vàng phi vật chất, kinh doanh trên tài khoản chưa có, nên nó không được nhanh.
Chính vì vậy chúng tôi đang kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước: Thứ nhất là bỏ giấy phép nhập khẩu vàng; Thứ hai là cần sớm ban hành quy chế kinh doanh vàng trên tài khoản.
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cho biết, những ngày gần đây, khi giá vàng tăng rất mạnh thì lượng giao dịch cũng như sức mua của người dân và nhà đầu tư tăng đột biến. Ông lý giải thế nào về điều này?
Thực ra thị trường VN, người dân và người kinh doanh VN có tâm lý, lối kinh doanh hơi ngược với thế giới. Không chỉ vàng đâu, kể cả chứng khoán cũng vậy. Nếu thế giới, khi giá thấp thì họ đi mua, giá cao đem bán, còn mình thì giá cao nhao đi mua, còn giá thấp thì bán tống bán tháo.
Sở dĩ vừa rồi như vậy vì họ sợ giá còn tiếp tục lên nữa. Do họ không có đầy đủ thông tin, nhận định, tầm nhìn dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về thị trường vàng nên phản ứng của họ mới ngược như vậy.
Vậy theo ông, các nhà đầu tư và người dân phải làm gì trong những diễn biến phức tạp của giá vàng?
Trước hết các nhà đầu tư, đầu cơ phải nắm được diễn biến tình hình, phải có thông tin, các yếu tố làm tăng giá vàng quốc tế. Thực ra kinh doanh gì cũng phải có thông tin thì mới quyết đoán được, mới chớp được những cơ hội phù hợp và có lợi nhất cho mình.
Thứ hai, cần phải nhìn nhận rằng, chắc chắn giá vàng không bao giờ lên theo đường thẳng đứng. Nó lên rồi lại xuống. Do đó, cần phải nắm được cái nhịp điệu của diễn biến giá vàng để mà mua bán thế nào cho nó hợp lý.
Và cái quan trọng nhất về phía các cơ quan quản lý nhà nước là cần ban hành cơ chế kinh doanh trên tài khoản để các nhà đầu tư, kinh doanh có cơ hội áp dụng các công cụ phái sinh, phòng ngừa rủi ro về giá vàng.
Ông nhận định thế nào về giá vàng thời điểm từ giờ đến hết năm?
Giá vàng thế giới còn rất sôi động. Nếu tình hình ảm đạm của thị trường tín dụng ở Mỹ mà không vực dậy được, diễn biến giá USD, giá dầu thế giới cũng như nhiều yếu tố địa chính trị khác không được cải thiệu thì mốc 850 USD/ounce chắc chắn là không xa.
Do đó thị trường còn biến động phức tạp khiến cho giá vàng trong nước có thể không dừng mà nhiều khả năng lên tới 16,50 triệu đồng/lượng hoặc cao hơn nữa.
Xin cám ơn ông!