Lãi suất của NHNN: Chỉ để biết
Trước tháng 8/2000 chế độ điều hành lãi suất của NHNN là lãi suất trần. Từ 5/8/2000 đến nay, NHNN thực hiện chế độ lãi suất cơ bản (LSCB). Mức LSCB bằng VND được NHNN ban hành hàng tháng với ý nghĩa định hướng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tham khảo trong việc xác định lãi suất huy động và cho vay phù hợp với điều kiện kinh doanh của mình. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên LSCB do NHNN công bố ít có tác động đến lãi suất thị trường.
Ví dụ, từ 1/12/2005 đến nay, NHNN vẫn duy trì mức LSCB 8,25%/năm, nhưng lãi suất thị trường đã tăng/giảm nhiều lần không cùng chiều với LSCB. Khi quyết định điều chỉnh tăng/giảm mức lãi suất vào những thời điểm trong năm, các NHTM chủ yếu dựa vào cung-cầu vốn, chiến lược cạnh tranh thị phần và mục tiêu kinh doanh của mình, ít chú ý đến mức LSCB.
Còn lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu (cũng do NHNN công bố) cũng rất ít có tác động đến thị trường tiền tệ vì nghiệp vụ thị trường mở ở VN còn hạn chế.
Một mức lãi suất nữa cũng hay được đề cập, đó là lãi suất thoả thuận giữa các thành viên Hiệp hội Ngân hàng (HHNH). Năm 2004, đại diện lãnh đạo cấp cao của các NH thành viên đã đồng thuận đưa ra mức lãi suất trần huy động tiền gửi chung của một số kỳ hạn chủ yếu. Sau đó từng NH có văn bản quy định cụ thể mức lãi suất các loại tiền gửi dựa trên khung lãi suất chung để chỉ đạo áp dụng trong toàn hệ thống.
Tuy nhiên, việc thực hiện thoả thuận ít được tôn trọng. Các NHTM Nhà nước thường "lách" bằng cách tăng LS ở các kỳ hạn khác. Nhiều NHTMCP hầu như không thực hiện theo các thoả thuận.
Vì vậy, luôn luôn có kêu ca, phàn nàn từ các thành viên về tình hình cạnh tranh lãi suất, nhưng với chức năng hội nghề nghiệp nên HHNH cũng không có chế tài xử lý các NH vi phạm ngoài sự kêu gọi tôn trọng thoả thuận.
Lãi suất thị trường đang mất hướng?
Đáng ra trong tình hình hiện nay khi NHNN tiếp tục giữ nguyên mức LSCB 8,25%/năm và thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt thì lãi suất huy động phải giảm, lãi suất cho vay tăng.
Tuy nhiên từ thời điểm 28/5/2007 (NHNN ra hai quyết định nâng tỉ lệ dự trữ bắt buộc, khống chế dư nợ đầu tư, cho vay kinh doanh chứng khoán) đến nay, người ta có cảm giác lãi suất thị trường đang trong tình trạng "mất hướng", tăng/giảm không theo một xu hướng rõ ràng nào và có diễn biến trái chiều.
Lãi suất tiền gửi VND thì giảm ở các kỳ hạn 6,9,12 tháng, giữ nguyên ở các kỳ hạn trên 1 năm và tăng ở không kỳ hạn và đối với các loại tiền gửi trên 12 tháng. Lãi suất tiền gửi ngoại tệ tăng trong khi lãi suất tiền VND giảm. Lãi suất cho vay thì phần lớn đang giữ nguyên mức cao như trước tháng 6.2007.
Về mặt bằng chung, NH này giảm lãi suất, NH kia lại giữ nguyên để nghe ngóng... Hầu như NH nào cũng lo mất thị phần vốn nếu hạ lãi suất tiền gửi, nhưng họ thiếu những tín hiệu rõ ràng từ vĩ mô và chưa thật tin tưởng vào việc liệu có thể kiểm soát được lạm phát hay không để quyết định chính sách lãi suất của mình.
"Ngập ngừng" lãi suất cuối năm
Chính NHNN cũng chưa phát ra được một tín hiệu rõ ràng cho chính sách lãi suất trong ngắn hạn của mình. Cụm từ "Trước mắt duy trì các mức lãi suất của NHNN" đã đôi lần được nhắc đến trong các văn bản chỉ đạo gần đây, rõ ràng là không thể làm "yên lòng" các NHTM.
Cộng thêm vào đó, tình hình cung-cầu vốn cuối năm, lãi suất trên thị trường quốc tế, mối tương quan với tỉ giá... trong bối cảnh kinh tế hiện nay vẫn là những "ẩn số" không dễ dự kiến được.
Bên cạnh đó nỗi lo mất khách hàng, giảm nguồn vốn luôn thường trực khiến nhiều NH vẫn đang "loay hoay" tính toán để tìm ra "lời giải" cho bài toán lãi suất cuối năm của mình.
Đa phần ý kiến của các lãnh đạo NH đều cho rằng nhu cầu vốn đầu tư sẽ tăng mạnh từ quý III trở đi.
Nhiều NH
đã sẵn sàng phương án tiếp tục tăng lãi suất để hút thêm vốn. Còn lãi suất cho vay có tăng nhưng ở mức nhẹ.
Tuy nhiên, trưởng phòng Kinh doanh của một Chi nhánh NH Công thương VN lại nói: "Tôi thì nghĩ rằng lãi suất sẽ giảm vì hiện nay vốn các NH, đặc biệt là NHTM nhà nước chỉ chủ yếu cho vay các dự án lớn, trong khi đó DNNN (khách hàng chủ yếu) thì nhu cầu vay lại giảm vì họ có thể phát hành CP, trái phiếu DN. Cho vay khu vực tư nhân và cho vay tiêu dùng thì chưa phát triển được. Vốn còn nhiều, nhu cầu vay ít, lãi suất phải hạ".
Một số NH cũng cho rằng hoạt động của TTCK (sôi động hay ảm đạm) cũng là một nhân tố tác động mạnh đến chiều hướng tăng/giảm của lãi suất NH. Còn LSCB của NHNN? Việc NHNN sẽ điều chỉnh tăng hay giảm LSCB trong những tháng tới phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số CPI.
Tuy nhiên do LSCB ít tác động đến lãi suất thị trường, bên cạnh đó tốc độ tăng CPI tháng 8 đã chậm lại, nên nhiều khả năng mức LSCB thời gian tới sẽ hầu như không thay đổi, nếu có, chỉ ở trong biên độ thấp.