Giá bán mỗi lượng vàng vật chất giảm 10.000 đồng so với hôm qua, trước khi được kỳ vọng bứt phá vào đêm nay sau khi FED sẽ có công bố về việc tăng lãi suất. Kể từ 6/8, thị trường trong nước liên tục đi xuống.
Giá bán mỗi lượng vàng vật chất giảm 10.000 đồng so với hôm qua, trước khi được kỳ vọng bứt phá vào đêm nay sau khi FED sẽ có công bố về việc tăng lãi suất. Kể từ 6/8, thị trường trong nước liên tục đi xuống.
Các doanh nghiệp vàng lớn ở TP HCM và Hà Nội hầu hết niêm yết giá tại 21,15-21,20 triệu đồng. Giá bán ra giảm nhẹ 10.000 đồng so với hôm qua, phản ánh phần nào không khí giao dịch ít sôi động trên thị trường vật chất. Tính theo tỷ giá USD/VND là 18.300 đồng, giá vàng miếng trong nước không chênh lệch nhiều so với giá thế giới (đã bao gồm thuế nhập khẩu).
Trái ngược với không khí thị trường vật chất, trên các sàn vàng, nhà đầu tư luôn chờ đợi giá biến động để lướt sóng ngắn kiếm lời. Sau một ngày hoan hỉ vì giá rơi mạnh hôm 10/8, nhà đầu tư đánh xuống hay lên đều đang im ắng vì giá lình xình quanh 946 USD suốt từ đầu ngày qua. Nhiều sàn mở cửa sáng nay quanh mức 20,3 triệu đồng một lượng và khối lượng giao dịch khá khiêm tốn.
Thị trường trong nước bắt đầu đi xuống kể từ hôm 6/8 và là đợt giảm giá dài nhất kể từ hồi tháng 3. Nguyên nhân chính lèo lái giá trong nước hiện nay vẫn là thị trường thế giới, vốn đang bị USD chi phối mạnh mẽ. Đà giảm còn do dầu thô xuống giá mạnh, từ mức cao trên 76 USD chỉ còn dưới 70 USD mỗi thùng, làm giảm khả năng phòng chống lạm phát của hàng hóa. Trong khi đó, các quỹ dự trữ liên tục bán ròng kể từ đầu tháng 6. Hôm qua, quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR tiếp tục giảm 7,41 tấn so với hôm 4/8, đưa lượng nắm giữ xuống còn 1,065.49 tấn.
Vàng thế giới giao ngay sau khi rơi từ trên 954 USD xuống quanh mức 946 USD một ounce ngày 10/8, đã nhích nhẹ 0,3% lên 947,20 USD lúc 9h15 sáng nay theo giờ Hà Nội. Hôm qua, có lúc giá chạm mức thấp nhất kể từ tháng 3 là 941,50 USD. Khi đồng đôla Mỹ tăng điểm, những loại hàng hóa mua bằng loại tiền này trở nên kém hấp dẫn vì đắt đỏ hơn.
Từ hôm qua đến hôm nay, Quỹ Dự trữ Liên bang (FED) có phiên họp tại Washington. Các thị trường tiền tệ, vàng và dầu đều chững lại trước thềm cuộc họp. Dư luận hy vọng FED sẽ có thêm các nhận định lạc quan về quá trình phục hồi và bức tranh lao động việc làm.
Thị trường đang thay đổi quan điểm đối với USD từ một đồng tiền dự trữ an toàn sang tập trung đến vấn đề lãi suất, với khả năng FED sẽ đề cập đến vấn đề tăng lãi suất sau khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu cải thiện mạnh. Hôm nay, nếu FED không đưa ra được các kế hoạch thoát khỏi chương trình nới lỏng tiền tệ thì USD sẽ chịu áp lực, gia tăng thuận lợi cho giá vàng.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu và 18 ngân hàng khác thỏa thuận sẽ không bán nhiều hơn 400 tấn vàng mỗi năm từ nay đến tháng 9 năm 2014. Con số này ít hơn so với lượng bán 500 tấn trong năm kết thúc vào ngày 26/9 tới.
Hôm nay, sẽ có nhiều thông tin quan trọng được đưa ra. Vào buổi sáng, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Australia, báo cáo đánh giá năng suất công nghiệp tháng 6 của Nhật và Bank of Japan đưa ra báo cáo tháng 6 sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thị trường vàng châu Á đầu ngày. Thông tin thống kê lao động Anh, báo cáo sản xuất công nghiệp tháng 6 của khu vực châu Âu và FED đưa ra tuyên bố sau 2 ngày họp được kỳ vọng sẽ ảnh hưởng lên thị trường thế giới vào chiều và tối nay theo giờ Hà Nội.