Khi vàng "nhảy múa"
Vàng luôn là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn. Giá vàng liên tục "nhảy muá" trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà cả đời sống người dân. Từ trước đến nay, trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam, vàng là tài sản bảo toàn chắc chắn. Giá vàng chỉ có tăng chứ không giảm.
Vàng luôn là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn. Giá vàng liên tục "nhảy muá" trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà cả đời sống người dân. Từ trước đến nay, trong suy nghĩ của nhiều người dân Việt Nam, vàng là tài sản bảo toàn chắc chắn. Giá vàng chỉ có tăng chứ không giảm.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2007 đến nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều đợt tăng và giảm giá vàng rất mạnh. Những điệu nhảy khó đoán của giá vàng giúp nhiều nhà đầu tư thu lợi lớn nhưng cũng khiến nhiều người thua lỗ nặng nề.
Những giai đoạn thăng trầm của giá vàng thế giới
Ngày 18-9-2008, sau khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản, chỉ trong một phiên giao dịch, giá vàng tăng trên 100 đô-la Mỹ một ounce (tương đương 28,35gr). Cụ thể, giá vàng tăng vọt từ 780 lên 885 đô-la Mỹ/ounce.
Việc tăng giá thần tốc này không bất ngờ với giới đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, người đầu tư vàng trong nước không khỏi choáng váng. Nguyên nhân vì từ cuối tháng Tám đến nay, giá vàng Việt Nam giảm rất mạnh. Không ít nhà đầu tư trên sàn giao dịch vàng bị thua lỗ lớn.
Trong lịch sử giá vàng thế giới, đây không phải là lần biến động cá biệt. Thị trường vàng từng chứng kiến một phiên tăng giá mạnh hơn vào ngày 21-1-1981 với mức giá 875 đô-la Mỹ/ounce.
Thế nhưng, sau đó, giá vàng suy giảm và đụng đáy vào ngày 1-7-1999 với giá 252,80 đô-la Mỹ/ounce trong năm 2006. Giai đoạn 2006-2007, giá vàng tăng rất mạnh, đạt đến 900 đô-la Mỹ/ounce.
Nhiều chuyên gia tài chính đã dự đoán giá vàng sẽ vượt qua mốc 1.000 đô-la Mỹ/ounce trong năm 2008. Tuy nhiên, diễn biến của giá vàng trong năm 2008 lại khá phức tạp với nhiều đợt tăng và giảm giá đột ngột, khiến giới đầu tư và người dân hoang mang.
Nguyên nhân khiến vàng "nhảy múa"
Nguyên nhân khiến giá vàng "nhảy múa" liên tục trong thời gian qua là do đặc điểm của vàng chi phối. Thứ nhất, giá vàng luôn duy trì sức mua. Khi giá vàng tăng từ 5.000.000 đồng trong năm 2000 lên 18.000.000 trong năm 2008, người dân luôn nghĩ rằng giá vàng tăng quá cao.

Tuy nhiên, thực tế, giá vàng tăng cao một phần vì giá trị VND đang suy giảm tương ứng. Theo số liệu của goldmoney.com, nếu tính theo đô-la Mỹ, giá một thùng dầu đã tăng 64 lần từ tháng 12-1945 đến tháng 8-2006.
Tuy nhiên, nếu quy ra vàng, giá thùng dầu ấy không thay đổi. Như vậy, khi nền kinh tế của một đất nước suy yếu và lạm phát tăng, giá vàng sẽ có xu hướng tăng.
Thứ hai, chính thị trường sẽ quyết định giá vàng. Trong lịch sử, đã có nhiều ngân hàng trung ương cố gắng can thiệp vào giá vàng, tránh cho giá vàng tăng cao. Nếu giữ giá vàng tăng cao. Nếu giữ giá vàng thấp, đồng tiền của quốc gia đó sẽ có giá trị hơn. Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ có tác dụng trong ngắn hạn.
Hai đặc điểm cốt lõi trên cho thấy trong ngắn hạn, giá vàng có thể bị tác động bởi yếu tố tâm lý hoặc những tổ chức đầu cơ. Thế nhưng, trong dài hạn, điệu nhảy của giá vàng chính là phong vũ biểu phản ánh sáng sức khỏe của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế thế giới phát triển, đồng tiền sẽ ổn định và không bị mất giá. Việc đầu tư vào các cổ phiếu và trái phiếu sẽ thu lợi cao. Nhiều nhà đầu tư thấy giữ vàng không có lợi nên giá vàng có xu thế giảm.
Ngược lại, khi nền kinh tế suy thoái, đồng tiền bị mất giá. Việc đầu tư gặp nhiều rủi ro, thu lợi kém nên các nhà đầu tư chuyển sang mua vàng. Động thái này khiến giá vàng tăng lên.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sự phát triển hoặc suy thoái của nền kinh tế Mỹ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Do vậy, sức mua của đồng đô-la Mỹ là nhân tố chính tác động đến giá vàng thế giới.
Những lúc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng, đồng đô-la Mỹ mạnh thì giá vàng giảm và ngược lại. Các đợt tăng-giảm mạnh của giá vàng thế giới đều là những giai đoạn nền kinh tế Mỹ có vấn đề chứ không phải do sự đầu cơ của các tổ chức tài chính.
Cụ thể, năm 1981, giá vàng tăng mạnh vì kinh tế Mỹ suy thoái từ ảnh hưởng của chiến tranh Việt Nam. Sau đó, giá vàng giảm mạnh do nền kinh tế Mỹ đang dần phục hồi. Tương tự, trong giai đoạn 2006-2007, giá vàng tăng rất mạnh vì kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng từ cơn suy thoái bất động sản. Đến tháng 8-2008, những tín hiệu vĩ mô cho thấy nền kinh tế Mỹ dần dần vượt giai đoạn khó khăn. Giá vàng theo đó giảm xuống khá mạnh.
Thế nhưng, sự kiện phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers đã dấy lên mối lo sợ sụp đổ nền tài chính Mỹ. Giá vàng, vì vậy mà đột ngột tăng cao chỉ qua một phiên giao dịch.
Ảnh hưởng của giá vàng đến thị trường Việt Nam
Trở lại thị trường Việt Nam, giá vàng Việt Nam tuy có khoảng cách nhưng vẫn phụ thuộc vào giá vàng quốc tế. Trong tháng 8-2008, giá vàng Việt Nam chênh lệch trên 1.000.000 đồng so với giá vàng thế giới.
Nguyên nhân vì các đơn vị kinh doanh vàng Việt Nam, ngoài chức năng kinh doanh, còn có nhiệm vụ tham gia bình ổn và tạo sự thông suốt trên thị trường theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, thói quen của người tiêu dùng Việt Nam thường tập trung mua vàng SJC. Khi giá xuống quá nhanh, sức mua tăng, cung không đủ cầu càng đẩy giá vàng lên cao hơn.
Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn chỉ có yếu tố nhất thời. Về xu thế chung, giá vàng Việt Nam luôn tăng-giảm theo giá thế giới. Nguyên nhân vì Việt Nam phải nhập khẩu 95% lượng vàng cho thị trường tiêu thụ trong nước. Biến động giá vàng trên thế giới đều tác động tức thì đến giá vàng trong nước.
Người dân đổ xô tích trữ vàng
Giá vàng tăng cao luôn khiến người dân cảm thấy bất an. Cuộc sống của họ ngày càng khó khăn do chi phí đội lên từng ngày.
Tuy nhiên, nguyên nhân thật sự của tình trạng này không xuất phát từ sự tăng giá vàng. Giá vàng chính là hàn thử biểu đo nhiệt độ của lạm phát. Khi lạm phát tăng cao, giá vàng cũng tăng theo. “Thủ phạm” thật sự khiến mức sống của người dân ngày càng eo hẹp chính là lạm phát.
Xét về hoạt động của nền kinh tế, giá vàng tăng mạnh sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Lý do vì tỷ giá VND/đô-la Mỹ trong thời gian này tương đối ổn định.
Giá vàng tăng trong thời gian qua do ảnh hưởng xấu từ nền kinh tế Mỹ chứ không phải nền kinh tế Việt Nam.
|
|
Trên phương diện đời sống, vàng không nằm trong những hàng hóa thuộc rổ hàng hóa để tính chỉ số giá-CPI. Do đó, giá vàng hầu như không tác động làm tăng mặt bằng giá chung, bao gồm giá cả các loại hàng tiêu dùng và dịch vụ khác.
Xét trên yếu tố tâm lý, giá vàng tăng luôn làm người dân có cảm giác lo lắng. Sợ giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao, người dân có khuynh hướng đổ xô đi mua vàng. Động thái này có thể làm giá vàng trong nước tăng mạnh hơn thế giới do nhu cầu mua quá lớn.
Bên cạnh đó, sự chênh lệch giá mua và bán vàng trong thời điểm này sẽ rất cao để đảm bảo an toàn cho các nhà kinh doanh vàng. Như vậy, việc mua vàng không xuất phát từ nhu cầu thật sự sẽ khiến người mua bị thiệt hại nhiều hơn giai đoạn giá vàng ổn định. Ngay cả các nhà đầu tư vàng cũng khó tránh khỏi thua lỗ.
Vì vậy, trong tình hình giá vàng vẫn "nhảy múa" khó lường như hiện nay, bạn không nên vì lo lắng hoặc muốn đầu cơ tích trữ mà gom số lượng vàng lớn. Trước mỗi quyết định mua vào hoặc bán ra, cần cân nhắc kỹ diễn biến của giá vàng để tránh thua lỗ.
(Theo TTGĐ)