Sáng nay (22/1), giá vàng trong nước tiếp tục tăng nhẹ do giá vàng thế giới lại vừa phá vỡ kỷ lục cũ. Giá dầu đã có phần bớt nóng hơn.
Tại Hà Nội và Tp.HCM, giá vàng miếng sáng nay mua vào tăng thêm 2.000 đồng/chỉ lên 1.777.000 đồng/chỉ, nhưng giá bán ra vẫn được duy trì như sáng qua là 1.785.000 đồng/chỉ.
Trên thị trường vàng kỳ hạn New York, chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng giao tháng 4/2008 tăng 11,40 USD/oz, tương đương 1,2%, lên mức 949,2 USD/oz. Trong phiên, có lúc giá vàng đội lên tới trên 958,4 USD/oz lần đầu tiên trong lịch sử. Giá vàng giao tại Mỹ lúc kết thúc ngày giao dịch cũng tăng 2,3 USD/oz, tương đương 0,24%, lên 947,1 USD/oz.
Dường như thị trường vàng chỉ còn cách mức giá dự báo 1.000 USD/oz không xa. Một số nhà phân tích hiện còn đưa ra dự báo, giá vàng sẽ đạt mức 1.100 USD/oz trong quý 3 năm nay.
Tính đến 10h30 sáng nay theo giờ Việt nam, giá vàng thế giới có dấu hiệu giảm nhưng không đáng kể. Giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á chỉ giảm khoảng 0,5 USD/oz, còn giá vàng kỳ hạn giảm khoảng 3 USD/oz.
Lạm phát của Mỹ tăng mạnh nhất trong 17 năm qua, đạt mức 4,1% trong năm ngoái, khiến giới đầu tư ồ ạt tìm đến vàng như một kênh đầu tư an toàn. Trong khi đó, kinh tế Mỹ lại đang tăng trưởng hết sức ì ạch, khiến Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) sẽ còn phải tiếp tục cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế, khiến USD càng thêm mất giá, càng có lợi cho giá vàng. Giá USD so với Euro hiện đã tụt xuống mức 1 Euro đổi được 1,48 USD.

Kể từ khi FED bắt đầu “series” cắt giảm lãi suất từ ngày 19/9 năm ngoái đến nay, đưa lãi suất USD từ mức 5,25% xuống còn 3%, giá vàng đã tăng thêm 31%. Số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy, giới đầu tư quốc tế đã đổ một số tiền kỷ lục 8,1 tỷ USD vào thị trường vàng trong quý 4 năm ngoái.
Với nhu cầu vàng tăng 23% trong năm 2007, Trung Quốc đã thế chân Mỹ trở thành nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới. Nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới hiện vẫn là Ấn Độ, với lượng tiêu thụ tăng 7% trong năm ngoái, bất chấp sự sụt giảm khá mạnh vào quý 4.
Trong khi đó, sản lượng vàng thế giới năm ngoái sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm. Trung Quốc và Nam Phi hiện là hai nước sản xuất vàng hàng đầu của thế giới.
Giá dầu thô ngọt nhẹ tại thị trường Mỹ sau khi vượt mức 101 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20/1 đã quay đầu giảm vì giới đầu tư tạm thời quên đi những lo ngại về nguồn cung thắt chặt do OPEC sẽ cắt giảm sản lượng và hướng sang những thông tin đáng lo ngại về kinh tế Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4/2008 giảm 1,47 USD/thùng, tương đương 1,5%, còn 98,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tại London cũng giảm 2,18 USD/thùng, tương đương 2,2%, đóng cửa ở 96,24 USD/thùng. Hiện giá dầu vẫn đang tiếp tục giảm.